Phần mềm quản lý bán hàng| Phần mềm quản lý nhà hàng| Máy in

Số hỗ trợ kỹ thuật 24/24: 0944.772.111 | Số khiếu nại dịch vụ: 0944.773.111
ATO

Tin công nghệ

Trang chủ    Tin tức - Sự kiện    Tin công nghệ

Thông điệp đầu năm của Thủ tướng
2009 sẽ là một năm có nhiều thách thức trong tiến trình phát triển, nhưng với sự đoàn kết và chung sức, Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát đi thông điệp này trong những ngày đầu năm mới.

Dưới đây là toàn văn bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Năm 2008, năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng, lại là năm mà tình hình kinh tế thế giới và trong nước biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí vận động theo những xu hướng trái chiều.

Những tháng đầu năm 2008, thế giới phải đương đầu với nguy cơ khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực. Giá cả hầu hết các mặt hàng tăng cao, đặc biệt là lương thực và dầu mỏ, gây ra lạm phát chi phí đẩy trên phạm vi toàn thế giới.

Từ tháng 9 năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ đã lan rộng sang hầu hết các nước và mang tính toàn cầu. Khủng hoảng có xu hướng ngày càng trầm trọng và lan truyền từ khu vực tài chính sang khu vực kinh tế thực. Từ tình trạng lạm phát cao, thế giới phải đối đầu với nguy cơ suy giảm tăng trưởng sâu đi cùng với tình trạng giảm mạnh giá dầu, giá lương thực và các loại nguyên liệu thô khác.

Ở trong nước, vào cuối năm 2007, những thành tựu đạt được sau hơn 20 năm đổi mới, đặc biệt là hai năm 2006, 2007 và cơ hội mới mở ra khi nước ta trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới đã tạo nên không khí phấn khởi, tin tưởng vào tiềm năng, triển vọng phát triển nhanh của đất nước: năm 2006 tăng trưởng kinh tế đạt 8,2%, năm 2007 đạt 8,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp phép trong năm 2007 đạt hơn 21 tỷ USD, là mức cao nhất so với những năm trước. Trong bối cảnh đó, với tinh thần cách mạng tiến công, chúng ta đã đặt mục tiêu là tranh thủ thời cơ thuận lợi để hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu ngay trong năm 2008 để tiếp tục phấn đấu đạt và vượt mức kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 trong năm 2009 và năm 2010.

Quyết tâm nêu trên đã tạo được sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân. Tuy nhiên, những yếu kém trong cơ cấu kinh tế và hiệu quả đầu tư tích tụ từ nhiều năm chậm được khắc phục, những tồn tại trong chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô cùng với những tác động rất mạnh của những yếu tố tiêu cực bên ngoài đến nền kinh tế có độ mở lớn như nền kinh tế nước ta làm cho lạm phát ở trong nước vốn tiềm ẩn từ những năm trước đã bộc lộ và tăng cao vào quý I năm 2008, kinh tế vĩ mô bị đe doạ nghiêm trọng. Trước tình hình đó, chúng ta đã nghiêm túc kiểm điểm và quyết định điều chỉnh mục tiêu điều hành kinh tế xã hội, chuyển nhiệm vụ trọng tâm vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng hợp lý; trong đó, kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, đến cuối quý III, lạm phát đã được kiềm chế, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế năm 2008 được duy trì ở mức 6,23%. Nhưng sự tiếp biến có tính quy luật của lạm phát và khủng hoảng tài chính toàn cầu đã và đang tác động mạnh đến kinh tế nước ta. Hầu hết các ngành sản xuất và dịch vụ đều bị giảm sút, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Đất nước đã chuyển từ ưu tiên đối phó với lạm phát cao sang đương đầu với suy giảm tăng trưởng kinh tế mà hậu quả và việc xử lý nó cũng không kém phần phức tạp so với lạm phát, thậm chí còn khó khăn hơn do nguồn lực của ta còn rất hạn chế trong khi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới vẫn chưa rõ điểm dừng.

Trước những diễn biến mới của tình hình, để thực hiện nghiêm túc, toàn diện và có hiệu quả các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2009, Chính phủ đã thảo luận và xác định nhiệm vụ trọng tâm cấp bách là: phát huy sức mạnh tổng hợp, nỗ lực phấn đấu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm cấp bách nêu trên, Chính phủ tập trung chỉ đạo 5 nhóm giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu gây nhiều khó khăn thách thức cho nền kinh tế nước ta; tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể khai thác không ít những thuận lợi, cơ hội cho phát triển, đó là: (I) môi trường chính trị xã hội nước ta ổn định với thể chế kinh tế thị trường ngày càng hoàn thiện; (II) năm 2008, trong khó khăn, kinh tế nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng khá (6,23%) và tiềm năng tăng trưởng vẫn còn lớn; (III) thị trường nội địa vẫn đang có nhu cầu rất đa dạng về hàng hoá và dịch vụ; (IV) nguồn vốn trong dân và năng lực sản xuất, chế tạo, thi công công trình còn nhiều, chưa được huy động hết; (V) giá vật tư, nguyên liệu, công nghệ và máy móc, thiết bị trên thị trường thế giới đang xuống thấp trong khi nhu cầu đầu tư phát triển của chúng ta lại rất lớn, nhất là phát triển hạ tầng, đổi mới công nghệ; (VI) các nhà đầu tư, các nhà tài trợ nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng phát triển của nước ta, vẫn coi Việt Nam là điểm đến an toàn và hấp dẫn.

Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh là giải pháp cơ bản nhất, không chỉ là yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay, mà còn là nhiệm vụ chủ yếu, thường xuyên trong chỉ đạo điều hành. Muốn tăng trưởng kinh tế phải đẩy mạnh sản xuất, phát triển dịch vụ. Chuyển biến thực sự chỉ diễn ra khi có sự nỗ lực ở từng doanh nghiệp, từng hộ gia đình, Nhà nước giữ vai trò định hướng và tạo lập môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù chúng ta không có chủ trương phân biệt chính sách theo loại hình doanh nghiệp nhưng trong điều kiện hiện nay, các giải pháp chủ yếu phải hướng vào hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ sản xuất kinh doanh - nơi tạo ra nhiều việc làm và cũng là khu vực đang gặp khó khăn hơn cả.

Kim ngạch xuất khẩu của nước ta hiện bằng khoảng 70% GDP với hàng chục triệu lao động tham gia, từ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản đến các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, các doanh nghiệp thu mua và kinh doanh xuất khẩu, kinh doanh du lịch. Xuất khẩu suy giảm đang tác động lớn đến tăng trưởng, đến đời sống và việc làm của người lao động. Chính phủ đã và sẽ đề ra các giải pháp, nhất là chính sách tài chính, tiền tệ để hỗ trợ thiết thực cho lĩnh vực quan trọng này.

Thị trường nội địa với gần 87 triệu dân có thu nhập bình quân đầu người khoảng 17 triệu đồng/năm là một thị trường khá lớn, các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có nhiều tập đoàn xuyên quốc gia, đang rất quan tâm khai thác, nhất là từ đầu năm 2009 chúng ta sẽ phải mở cửa dịch vụ phân phối theo cam kết với WTO. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam lại chưa quan tâm đúng mức đến việc chiếm lĩnh khu vực thị trường này. Mở rộng thị trường nội địa, tăng cường nội tiêu (với cả sản xuất và tiêu dùng) không chỉ là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, mà phải là hướng phát triển quan trọng trong quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Thị trường nội địa còn là điểm tựa để các doanh nghiệp nước ta vươn lên trong cạnh tranh, nơi các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế hơn so với thị trường nước ngoài. Phải quán triệt quan điểm: thị trường trong nước là cơ sở, thị trường nước ngoài là quan trọng trong chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp. Cần có chính sách thích hợp để các doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhanh, bền vững trong cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế.

Thứ hai, huy động các nguồn lực để kích cầu đầu tư và tiêu dùng. Tăng đầu tư không chỉ làm tăng GDP trong ngành xây dựng, tạo ra GDP trong các ngành sản xuất, dịch vụ khi dự án đi vào hoạt động mà còn là nguồn tiêu thụ sản phẩm của các ngành khác, qua đó kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Ở nước ta, vốn đầu tư của dân cư và tư nhân hiện chiếm 33% tổng vốn đầu tư xã hội, bằng khoảng 44% tổng vốn đầu tư trong nước và đang có xu hướng ngày càng tăng. Đây là nguồn lực rất quan trọng. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 khoá VIII xác định, để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế phải phát huy nội lực, coi nội lực là yếu tố quyết định, trước hết phải tạo mọi thuận lợi để huy động nguồn lực này vào đầu tư phát triển. Trong thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân luôn có vai trò quyết định; tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, thị trường bị thu hẹp, lãi suất tín dụng còn cao, độ rủi ro trong đầu tư kinh doanh còn lớn thì đầu tư nhà nước có vai trò dẫn dắt, kích thích, tạo tiền đề và gây hiệu ứng lan toả cho đầu tư của các thành phần kinh tế khác. Vấn đề là phải bảo đảm chất lượng và hiệu quả đầu tư của khu vực này.

Tập trung nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA và vốn tín dụng hỗ trợ đầu tư phát triển để đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng (giao thông, năng lượng) nhằm giải toả nhanh các điểm nghẽn tăng trưởng, giảm chi phí trung gian, tạo thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng hoá; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ở nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X; đầu tư nhiều hơn vào các công trình y tế, giáo dục, nhà ở xã hội, phục vụ cho việc ăn ở đi lại học tập, chữa bệnh của nhân dân.

Trong điều kiện cân đối ngân sách năm 2009 khó khăn hơn so với những năm trước, Chính phủ chủ trương phát hành thêm trái phiếu nhằm huy động nhiều hơn các nguồn lực trong dân để tạo thêm vốn cho đầu tư phát triển. Chính phủ cũng sẽ kiến nghị dành khoảng 17 ngàn tỷ đồng để bù khoảng 40% lãi suất vay thương mại nhằm huy động một lượng khá lớn vốn tín dụng với lãi suất thấp (khoảng 400 ngàn tỷ đồng với chu kỳ cho vay 1 năm) để hỗ trợ các doanh nghiệp, không phân biệt thành phần kinh tế, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay đầu tư phát triển, duy trì sản xuất kinh doanh, giữ và tạo thêm việc làm. Ngoài ra, Chính phủ còn chủ trương bảo lãnh cho doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị, máy móc để đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ.

Đối với nguồn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là của các tập đoàn và tổng công ty, phải hướng vào các dự án công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng lớn, các dự án thu hút nhiều việc làm để thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư của khối doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đã giao các ngành chức năng tạo thuận lợi, đồng thời tăng cường kiểm tra, không vì chủ trương kích cầu mà buông lỏng quản lý, dễ dãi chấp nhận những dự án kém hiệu quả, không có khả năng cạnh tranh, làm ô nhiễm môi trường, gây nguy cơ tăng lạm phát trở lại.

Để việc thực hiện kích cầu đầu tư và tiêu dùng có hiệu quả và giảm chi phí trung gian, nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương theo chức năng và thẩm quyền của mình, khẩn trương xử lý những vướng mắc về thủ tục đầu tư, về giải phóng mặt bằng, ban hành các quy định phù hợp về lựa chọn nhà thầu theo hướng giao quyền và tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, của người quyết định đầu tư và phát huy vai trò giám sát cộng đồng trong việc bảo đảm chất lượng các công trình, dự án. Làm tốt các việc này cũng chính là góp phần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính và các quy định về phân cấp theo tinh thần đổi mới tư duy quản lý: chuyển từ tư duy quản lý chủ yếu là xác lập trật tự, sang quản lý là để thúc đẩy phát triển.

Điều quan trọng đối với nước ta hiện nay là phải đẩy nhanh quá trình cải cách và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ mô hình tăng trưởng chủ yếu là dựa vào các yếu tố theo chiều rộng (dựa chủ yếu vào xuất khẩu tài nguyên, tăng đầu tư, nhất là đầu tư nhà nước) sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở phát huy nguồn lực và tính năng động của khu vực dân doanh, khai thác lợi thế so sánh, tăng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (công nghệ và quản lý, chất lượng nguồn nhân lực…) nhằm tạo ra năng lực cạnh tranh mới trong từng doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, điều cực kỳ quan trọng là các giải pháp cấp bách không được mâu thuẫn với các mục tiêu dài hạn, mà phải tạo ra cơ sở, tiền đề cho việc khai thác tiềm năng tăng trưởng của đất nước, nâng cao chất lượng hiệu quả của tăng trưởng, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững trong những năm sau.

Thứ ba, bảo đảm an sinh xã hội và đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo. An sinh xã hội là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước ta quan tâm không chỉ trong điều kiện lạm phát cao, mà càng phải đặc biệt quan tâm trước nguy cơ suy giảm tăng trưởng, tác động tiêu cực đến việc làm và thu nhập của người lao động.

Chính phủ chủ trương bố trí đủ ngân sách, tăng cường dự trữ quốc gia, nhất là về lương thực để triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã ban hành; thực hiện tăng mức lương cơ bản cho người lao động trong doanh nghiệp và cán bộ công chức; tiếp tục hỗ trợ lương thực, khôi phục nhanh cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, hỗ trợ và tạo điều kiện để ổn định đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; triển khai ngay từ đầu năm 2009 các giải pháp đầu tư để giảm nghèo nhanh ở 61 huyện hiện có tỷ lệ nghèo cao nhất; thực hiện chương trình nhà ở cho người nghèo, các đối tượng chính sách, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp tập trung, nhà ở và tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên; triển khai bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm thất nghiệp. Nghiên cứu cân đối ngân sách để có thể trợ cấp trực tiếp cho người nghèo. Đặc biệt quan tâm bảo đảm y tế, giáo dục, nhất là đối tượng chính sách và các khu vực còn nhiều khó khăn. Triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Thứ tư, thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài chính tích cực, hiệu quả. Chính sách tài chính và chính sách tiền tệ có vai trò quyết định trong việc duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, khuyến khích sử dụng hàng sản xuất trong nước, bảo đảm an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Trong điều kiện sản xuất kinh doanh bị suy giảm, đình trệ, thu nhập sụt giảm thì cạnh tranh về giá là yếu tố quan trọng để giữ vững và mở rộng thị trường. Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính tiền tệ nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ. Theo đó, áp dụng nhiều chính sách miễn, giảm, hoãn thời gian nộp thuế, hướng vào các doanh nghiệp sản xuất, sử dụng nhiều lao động, tạo ra nhiều việc làm; hỗ trợ lãi suất và thực hiện bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm phù hợp lãi suất cơ bản và áp dụng lãi suất thoả thuận đối với những dự án đầu tư, kinh doanh có hiệu quả. Điều hành tỷ giá linh hoạt theo tín hiệu thị trường, tạo thuận lợi cho xuất khẩu.

Đối với các hộ nông dân bị thiệt hại do thiên tai và các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, Chính phủ chủ trương thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn nợ và áp dụng các giải pháp thích hợp để xử lý các khoản nợ vay vốn ngân hàng; xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng phù hợp theo mức lãi suất hiện hành. Thực hiện hỗ trợ đầu tư phát triển công nghệ sau thu hoạch; hỗ trợ tiêu thụ một số nông sản có lượng hàng hoá lớn và sản xuất tập trung; hỗ trợ giống cho nông dân để khôi phục sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản ở các vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tất cả các biện pháp trên đây nhằm giúp cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ nông dân vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh.

Trong điều hành chính sách tài chính, chính sách tiền tệ năm 2009, phải bảo đảm huy động đủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn như: ngân sách tập trung dành cho đầu tư phát triển, trái phiếu chính phủ, nguồn vốn ODA, vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ đầu tư và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước để các nguồn lực này thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng hợp lý, hiệu quả.

Thứ năm, tập trung điều hành quyết liệt, linh hoạt và phù hợp với thực tế tình hình. Khi đã xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu thì việc tổ chức chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt và phù hợp với thực tế tình hình là yếu tố quyết định thắng lợi. Hiệu quả của chủ trương, chính sách phải đo bằng những chuyển biến cụ thể trên từng địa phương, từng doanh nghiệp và cơ sở; tất cả phải vì mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.

Hiện nay, tình hình kinh tế thế giới đang biến động rất phức tạp và khó lường. Các Bộ, các địa phương phải đặc biệt quan tâm làm tốt hơn nữa công tác dự báo để chủ động kịp thời điều chỉnh nhiệm vụ và các giải pháp tổ chức điều hành cho phù hợp với thực tiễn tình hình; đồng thời, phải tập trung chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách mạnh thủ tục hành chính cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra, nhất là trong quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản, cấp vốn, giải ngân, đền bù giải phóng mặt bằng, các quy định về thuế, hải quan, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất...; phải phân cấp mạnh, giao quyền và trách nhiệm cho cấp trực tiếp chỉ đạo thực hiện công việc; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị và phải thực sự lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao làm thước đo chủ yếu trong đánh giá cán bộ.

Các Bộ, các địa phương, các đơn vị phải có kế hoạch hành động cụ thể và đặc biệt coi trọng công tác chỉ đạo thực hiện, tăng cường kiểm tra, đôn đốc và sơ kết rút kinh nghiệm, uốn nắn, điều chỉnh kịp thời; tất cả phải vì hiệu quả, chất lượng công việc và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Các giải pháp chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội đều hướng tới việc phát huy nguồn lực của toàn xã hội và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Nhân dân là lực lượng chủ đạo trong việc thực hiện các giải pháp; vì vậy, phải thật sự phát huy dân chủ, thực hiện đúng phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và chính nhân dân là người thụ hưởng kết quả của các giải pháp đó; phải chủ động phối hợp và đề cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các tổ chức chính trị xã hội trong việc vận động các tầng lớp nhân dân tích cực ủng hộ, giám sát và thực hiện các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.

Phải làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ về tình hình và nhiệm vụ của đất nước, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và đồng thuận trong cách nghĩ, cách làm; các cơ quan nhà nước phải chủ động cung cấp thông tin, công khai minh bạch về chính sách, cơ chế quản lý; các cơ quan báo chí có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phải đưa tin chính xác và có lợi cho sự phát triển của đất nước.

Năm 2009 sẽ là một năm với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn trong tiến trình phát triển của đất nước ta, dân tộc ta. Nhưng chúng ta tin tưởng vững chắc rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự đoàn kết nhất trí, chung sức chung lòng của cả hệ thống chính trị, của toàn đảng, toàn dân, toàn quân, nhất định chúng ta sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2009.

Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng

Xem thêm: phần mềm quản lý bán hàngphan mem quan ly ban hangphần mềm quản lý nhà hàngphan mem quan ly nha hangphần mềm bán hàngphan mem ban hangphần mềm nhà hàngmáy in hóa đơnmáy in mã vạchphần mềm quản lý kho,

vnexpress
    Bookmark and Share
Hỗ trợ

Tp.Hà Nội         024 7300 6077
Tp.Hồ Chí Minh   028 7300 6077 
Tư vấn phần mềm

Tư vấn thiết bị

Mr. Huỳnh - ext: 101
0942 85 80 88
Ms Hương Giang- ext: 203
0928 58 88 18
Tư vấn thiết bị

Tư vấn phần mềm

Mr. Chuyên - ext: 802
0928 58 08 08
Ms Ngọc Hòa- ext: 801
0928 58 58 08